Friday, November 22, 2013

CỐM – KẸO CỬU LONG: Quả ngọt đầu mùa ở một làng nghề truyền thống

[PUBLIC 73]
TRÊN ĐƯỜNG DU NGOẠN


CỐM – KẸO CỬU LONG:
Quả ngọt đầu mùa ở một làng nghề truyền thống

Gần 10 năm trước, ở Cái Bè có khá nhiều lò cốm nhỏ, sản xuất chủ yếu để phục vụ cho thị trường địa phương. Nhưng trước sự “xâm lấn” của các loại bánh kẹo ngoại nhập và “tân thời”, người ta dường như dần quên món cốm đặc sản của quê nhà. Doanh thu bết bát cộng thêm tinh thần rệu rạo đã khiến gần như tất cả lò cốm phải đóng cửa hoặc chỉ sản xuất theo kiểu cầm chừng.

Những tưởng nét đẹp văn hóa ẩm thực này sẽ bị chìm vào quên lãng, thì một người phụ nữ đã xuất hiện. Bằng sự táo bạo cộng với quyết tâm, chị đã dần xốc lại giấc mơ về một làng nghề truyền thống. Sau hơn 5 năm gieo mầm hy vọng, cuối cùng thì những quả ngọt đầu mùa cũng đã đến trong niềm hạnh phúc đến vỡ òa của những người trong cuộc!



… Là một người vốn đam mê khám phá văn hóa ẩm thực dân gian, cho nên ngay khi được một anh bạn chí cốt rủ về Cái Bè tham quan lò cốm – kẹo Cửu Long thì tôi đã nhanh chóng tạm gác công việc ở Hà Nội và bay về miền Tây. Ban đầu, tôi cứ ngỡ đây chỉ là một cơ sở nhỏ mà thôi. Nhưng khi được tham quan, thì tôi đã rất bất ngờ đến thú vị về một làng nghề truyền thống có diện tích đến 500 m2!

Tôi được anh bạn giới thiệu cho gặp chị Dương Diệu Hiền – chủ cơ sở sản xuất cốm – kẹo Cửu Long. Trước mắt tôi là một người phụ nữ 39 tuổi có khuôn mặt và giọng nói đúng như tên của chị. Nước da ngăm đen dường như muốn khắc họa đậm nét cho tình yêu công việc của chị cũng như những nhọc nhằn trên con đường hồi sinh cốm Việt. Tôi rất nhanh chóng đi tìm lời giải cho dấu hỏi to tướng ngay từ trước khi đến đây: “Vì sao chị lại đặt trọn niềm tin vào sự phục hưng của một nghề truyền thống có nguy cơ bị đưa vào… “sách đỏ”?”.

Chị Hiền tươi cười kể lại: “Ban đầu, gia đình tôi cũng phản đối rất quyết liệt về ý tưởng mở lại lò cốm. Mẹ tôi bảo thời buổi bây giờ người ta ăn toàn kẹo ngoại. Thử hỏi còn được mấy ai chịu ăn cốm Việt! Tôi bảo con sẽ làm cốm gắn kết với du lịch. Kinh nghiệm nhiều năm đi làm tour guide, con thấy du khách quốc tế rất thích khám phá văn hóa ẩm thực địa phương và cốm của xứ mình mới là thứ họ quan tâm nhất. Mẹ cứ tin con đi”.

Sau khi thuyết phục được gia đình đầu tư tiền bạc và công sức để mở lò cốm – kẹo trên một nền đất thuê với thời hạn 10 năm, chị Hiền đã nhanh chóng bắt tay thực hiện giấc mơ đã được ấp ủ từ lâu. Cũng như bao nhiêu người lần đầu khởi nghiệp, khó khăn đã đến ngay từ những năm đầu tiên. Du khách thì rất thích xem làm cốm – kẹo nhưng họ thường chỉ mua một ít để làm quà kỷ niệm mà thôi! Không nản lòng, chị bắt đầu tìm cách tiếp thị sản phẩm ra thị trường bằng cách đi chào mời từng bọc cốm một đến từng tiệm tạp hóa một ở khắp mọi nơi. Ăn thấy ngon nên nhiều người đã bắt đầu đặt mua nhiều hơn và thương hiệu Cửu Long dần dần định hình. Như để thay đổi không khí, chị bắt đầu đưa chúng tôi tham quan lò cốm.

Nguyên liệu chính để làm cốm là những hạt nếp hoặc sợi mì đã được chọn lọc cẩn thận ngay từ đầu vào. Mỗi công đoạn sản xuất sẽ được đảm nhiệm bởi một hoặc vài người thợ, tùy thuộc vào khối lượng và mức độ phức tạp của công việc. Không như những lò cốm – kẹo hiện đại, vì là một phần tất yếu của một trọn gói du lịch, Cửu Long sẽ sử dụng những trang thiết bị và công cụ sản xuất mang đậm chất dân gian để du khách quốc tế có thể khám phá đặc nét văn hóa ẩm thực của Việt Nam nói chung và của địa phương Cái Bè nói riêng.

Ở khâu đầu tiên, nếp hoặc mì sẽ được “nổ” (làm chín) bằng cách cho một lượng vừa đủ (một mẻ cốm) vào chiếc chảo gang khổng lồ có lớp cát đen ở bên dưới đóng vai trò hấp thu nhiệt lượng để lan tỏa một cách đồng đều lên những hạt nếp hoặc sợi mì. Một người thợ có thân hình vạm vỡ sẽ nhanh tay đảo đều cho đến khi nếp hoặc mì đã được chín hoàn toàn.


Để cắt giảm chi phí sản xuất, Cửu Long đã dùng lò trấu được xây theo kiểu truyền thống thay vì dùng lò củi hoặc những thứ đại loại như thế. Hình ảnh chiếc lư hương nhỏ nằm cạnh ống khói của lò trấu đã khiến cho nhiều du khách quốc tế cảm thấy thú vị bởi đó còn là niềm tin của người Việt về sự hiện hữu của ông thần bếp luôn mang đến cho họ những bữa ăn ngon mỗi ngày.  

Nếp hoặc mì sau khi chín sẽ được chuyển nhanh qua một chiếc rây lớn treo lơ lửng nằm gần đấy nhằm làm sạch cát. Cách đó chỉ vài bước chân là một công đoạn khác: tẩm trộn. Một chiếc chảo lớn với các nguyên liệu căn bản như đường, mạch nha, hương phẩm thiên nhiên, v.v… sẽ được dùng để nấu cho đến khi đạt được độ cô đặc cần thiết trước khi cho nếp hoặc mì vào để trộn đều. Đây là một công việc phải cần đến 2 người phối hợp một cách nhịp nhàng và thoăn thoắt.


 Sau đó, cốm thành phẩm sẽ được trải đều lên một khuôn gỗ trông như một bàn cờ tướng khổng lồ đã được kẻ ô đều đặn. Hai người thợ ban nãy sẽ nhanh tay dùng một cán đồng rất nặng để nén cốm. Đối với món cốm chà bông độc đáo, thì sẽ có thêm một lớp chà bông thơm ngon nằm ở bên trên.

Tiếp đến, họ dùng bộ dao sắc để cắt cốm thành những thanh chữ nhật để chuyển sang công đoạn cuối cùng là đóng gói. Nếu tinh mắt quan sát, thì bạn sẽ bắt gặp những viên cốm có kích cỡ chỉ bằng ngón tay. Chúng thường nằm sát ở 4 cạnh khuôn. Người ta sẽ gói thành những viên cốm tí hon và xinh xắn để mời du khách dùng thử sản phẩm trước khi mua hoặc để làm tăng thêm hương vị cho những câu chuyện trà dư tửu hậu trước hoặc sau khi bạn đã tham quan chợ nổi Cái Bè và thưởng thức ẩm thực miệt vườn ở các du lịch sinh thái.

Nhóm đóng gói thường có rất nhiều người, đa phần là nữ. Tất cả đều làm việc rất khẩn trương để cốm vẫn giữ được độ giòn một cách tự nhiên. Họ cho biết, cốm có hạn sử dụng trên 3 tháng và thậm chí hơn thế nếu được người dùng bảo quản tốt.


Chị Hiền tiết lộ ban đầu chỉ làm món cốm gừng. Về sau, chị nảy ra ý định đa dạng hóa sản phẩm với những loại cốm hấp dẫn hơn, từ cốm tứ vị, cốm ca cao, cốm chà bông và thậm chí có cả loại cốm dành cho người ăn chay. Đối với kẹo dừa Cửu Long cũng thế. Tất cả nhằm mang đến cho du khách nhiều trải nghiệm hơn về văn hóa ẩm thực cũng như có nhiều sự lựa chọn hơn trong việc mua quà. Ngoài ra còn có một lò rượu, một phòng vẽ tranh cùng nhiều gian hàng quà lưu niệm được bày trí rất khoa học về mặt không gian.


Tạm chia tay lò cốm – kẹo Cửu Long, chúng tôi tiếp tục cùng chị Hiền du ngoạn sông nước Cái Bè trên chiếc tàu du lịch mang đậm chất Nam bộ. Chợ nổi Cái Bè lúc về chiều tuy không sôi động như buổi sáng nhưng vẫn mang đến cho chúng tôi những trải nghiệm thú vị về cuộc sống của những người dường như đã bén duyên và nặng nợ với kiếp lênh đênh! Tuy không thích ăn cá nước ngọt, nhưng trước hấp lực của món cá lóc đồng chính hiệu nướng trui ở một khu du lịch sinh thái thì tôi đã cầm lòng không đặng! Những món ăn chế biến từ gà vườn cũng không kém phần thú vị.

Trong suốt bữa tiệc, tôi liên tục đặt câu hỏi cho chị Hiền. Dường như ở chị có rất nhiều bài học đích thực và quý giá mà tôi càng khám phá càng cảm thấy khâm phục ở chị. Chị cho biết, mấy năm trước các công ty du lịch còn hỗ trợ chi phí làm cốm để du khách tham quan và chụp hình. Nhưng nay thì đã bị “cắt sữa” rồi. Cũng may nhờ việc kinh doanh cốm – kẹo phát đạt nên chị cũng yên tâm.

Đối với những người thợ nơi đây, chị Hiền như là người chị ruột và là một thủ lĩnh cả về tinh thần lẫn vật chất. Thật vậy, chị luôn chăm lo và đảm bảo thu nhập cũng như việc làm ổn định cho anh em. Có nhiều người trước đây từng đi qua những quá khứ không đẹp vẫn được chị cưu mang. Cũng vì tấm chân tình này mà mọi người trong lò cốm – kẹo xem chị như người thân ruột thịt và luôn toàn tâm toàn ý với công việc. Có những hôm khách mua đông quá không kịp sản xuất, mấy anh em không ai bảo ai quyết định ở lại làm đến tận 9 -10 giờ đêm rồi 3 giờ sáng ngày hôm sau lại thức rất sớm để làm tiếp.

Nói về những khát vọng mới của mình, chị Hiền tiết lộ: “Mình định bổ sung thêm một số hoạt động mang đậm nét văn hóa địa phương cho làng nghề, chẳng hạn như làm thêm bánh tráng, đan lục bình, chọi gà dân gian, v.v… để tăng thêm hấp lực cho Cửu Long”.

Đối với gia đình, chị còn là một người con rất có hiếu và đảm đang. Toàn bộ chi tiêu để lo cho ba mẹ và gần như mọi anh em và các cháu trong đại gia đình đều do chị đảm nhiệm. Chị cũng vừa mua thêm một căn nhà mới ở Vĩnh Long để chuẩn bị cho một ý tưởng khác. Tuy phải tất bật sáng ở Cái Bè chiều về Vĩnh Long, nhưng chị luôn tràn trề năng lượng và đam mê công việc. Dường như trong con người này có một sức mạnh tiềm ẩn cộng với một óc sáng tạo vô hạn trong kinh doanh du lịch.

Sau 6 giờ tham quan lò cốm – kẹo Cửu Long kết hợp du lịch sinh thái ở Cái Bè, tôi như được gột rửa mọi căng thẳng trong cuộc sống và có một ngày thư giãn cuối tuần thật tuyệt vời ở vùng quê sông nước.

Ở công đoạn đóng gói cốm thành phẩm, người ta vẫn dùng chiếc đèn dầu hoài cổ. Dưới ánh sáng của những bóng đèn compact của thời hiện đại, thì ngọn lửa nhỏ của chiếc đèn dầu ấy vẫn tỏa ra một thứ ánh sáng rất lung linh vì nó cũng là hiện thân cho một người phụ nữ quả cảm đã chắp thêm hy vọng hồi sinh cho một làng nghề truyền thống!


LÊ NGUYỄN BẢO NGUYÊN
(baonguyen10101976@gmail.com)

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.