CUỘC SỐNG SỐ
NOMOPHOBIA:
Sự thật và liệu pháp
Sau nghiện Net và nghiện game, thế giới số lại vừa phát hiện thêm một “căn bệnh” mới và được định danh là nomophobia! Đâu là những biểu hiện của nó? Liệu nomophobia có gây ảnh hưởng nghiêm trọng? Và để điều trị tận gốc, thì bạn nên bắt đầu từ đâu?
1. NOMOPHOBIA LÀ GÌ?
Theo định nghĩa của Đại Bách khoa toàn thư trực tuyến Wikipedia, thì nomophobia có thể được tạm hiểu như là hội chứng nghiện sử dụng điện thoại di động, giống như căn bệnh ở những người nghiện Net hay nghiện game. Nó sẽ khiến cho “bệnh nhân” luôn trong tình trạng bất an và căng thẳng nếu như họ cảm thấy rằng mình đang bị mất liên lạc với thế giới! Thuật ngữ này được viết tắt từ cụm từ No-mobile-phone phobia, sau một nghiên cứu của nhiều tổ chức có uy tín tại Vương quốc Anh.
Kết quả khảo sát mẫu ở 2.163 người Anh đã cho thấy, gần 53% người dùng mô-bai tại xứ sở sương mù này đã đứng ngồi không yên ngay khi họ bị mất điện thoại, hết pin, hỏng SIM, hết tiền, bị mất sóng và thậm chí cả khi không được ai đấy gọi điện hoặc nhắn tin! Tỷ lệ bệnh này ở nam giới nhỉnh hơn nữ giới một chút nhưng gần ngang nhau (58% so với 48%).
Tuy nhiên, căn bệnh nói trên chưa thật sự trầm trọng như ở đảo quốc sư tử Singapore . Gần 49% người tham gia cuộc điều nghiên này đã tiết lộ rằng họ sẽ chẳng thể sống nổi nếu như không có điện thoại luôn ở bên cạnh! Cứ mỗi 171 thanh niên Singapore thì đã có đến 9 người luôn ăn ngủ cùng điện thoại theo kiểu 24/7 (mọi ngày và suốt tuần)! Ở Việt Nam , mặc dù chưa có một cuộc điều nghiên nào được thực hiện hoặc công bố, song căn bệnh mang tên nomophobia có thể được nhận diện rất dễ dàng, đặc biệt là ở giới trẻ.
2. HẬU QUẢ THẾ NÀO?
Nguy cơ đầu tiên phải kể đến đó là sự gia tăng tai nạn giao thông, nhất là khi lái xe hơi. Cho dù sử dụng chế độ rảnh tay hay một tay khi thoại thì khả năng gây ra va quẹt vẫn cao hơn gấp 4 lần nếu như không sử dụng mô-bai trong lúc cầm vô lăng! Người lái càng nghiện mô-bai thì càng dễ đi gặp… tử thần!
Tuy chưa có kết luận cuối cùng về tác hại của điện thoại, song việc mô-bai phát ra một lượng bức xạ vào đầu là có thật! Hệ thần kinh theo đó ít nhiều cũng bị ảnh hưởng và tổn thương nếu dùng điện thoại quá lâu, đặc biệt là trẻ em và thanh thiếu niên. Giảm thính lực hay bị suy yếu khả năng sinh con cũng là hai nguy cơ mà người nghiện mô-bai có thể sẽ phải đối mặt. Hơn nữa, sóng điện thoại có thể gây nhiễu cho một số thiết bị quan trọng tại bệnh viện hoặc trên máy bay.
3. ĐÂU LÀ DẤU HIỆU?
Bạn có cảm thấy lo lắng và căng thẳng khi điện thoại của bạn:
- Yếu hoặc sắp hết pin?
- Bị mất sóng?
- Bị hư hỏng?
- Bị thất lạc?
- Bị đánh cắp?
- Chưa bị mất nhưng cứ luôn lo sợ điều này xảy ra?
Nếu có quá nhiều câu trả lời là đúng thì xin được chia buồn cùng bạn vì bạn đã trở thành một bệnh nhân đang mắc phải hội chứng nghiện mô-bai!
4. CHỮA TRỊ RA SAO?
Đã có khá nhiều cách tiếp cận được đề xuất. Nhưng hiệu quả nhất vẫn là sử dụng liệu pháp giải tỏa tinh thần thay vì phải dùng thuốc! Các chuyên gia về nomophobia cho rằng ý chí của bệnh nhân sẽ quyết định tất cả.
Ví dụ, hiện tại họ không thể rời xa chiếc điện thoại của mình, thì ngay từ lần chữa trị đầu tiên, cách tốt nhất là cắt giảm dần thời gian phải lệ thuộc vào mô-bai thay vì là phải từ bỏ thói quen này ngay lập tức. Có thể xem việc điều trị nomophobia như việc tập cai thuốc mà sự thành bại đa phần là do chính nghị lực của người hút quyết định.
Một số hoạt động khác cũng có thể giúp bạn thư giãn và xua đi “cơn nghiện” mô-bai đó là hít thở thật sâu, ngồi thiền hoặc vận động cơ thể bằng những môn thể thao mà mình yêu thích nhất. Nếu không thật sự cần thiết, thì đừng bao giờ chạm đến mô-bai! Hãy truy cập Web site Help Guide tại địa chỉ rút gọn là http://goo.gl/oLohhđể khám phá thêm những thông tin hữu ích có liên quan đến căn bệnh mới này.
LÊ NGUYỄN BẢO NGUYÊN
(Tổng hợp từ Internet)
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.